5 nguyên tắc không thể bỏ qua khi chăm sóc con bị tiêu chảy

Trẻ em là đối tượng thường xuyên mắc các bệnh tiêu hóa, trong đó có tiêu chảy, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Bệnh không khó để chữa nhưng bệnh này luôn là một trong những nguyên nhân gây ra tỉ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em. Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, nếu không có biện pháp phòng ngừa, điều trị cũng như chăm sóc trẻ đúng cách, bệnh sẽ có khả năng trở nặng. Từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sa sút tình thần, trí tuệ và tác động trực tiếp đến tương lai bé. Dưới đây là 5 nguyên tắc chăm sóc trẻ bị bệnh tiêu chảy tại nhà hiệu quả an toàn. Hãy cùng irtecinc.com theo dõi và ghi chú lại bạn nhé!

Thế nào được gọi là tiêu chảy?

  • Đi goài phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần/ngày trở lên
  • Thời gian dưới 2 tuần

Với tiêu chuẩn này sẽ loại trừ các trường hợp trẻ đi ngoài trên 3 lần/ngày nhưng phân vẫn bình thường bởi vì số lần đi ngoài có thể thay đổi tùy theo chế độ ăn và lứa tuổi của trẻ. Như vậy điều quan trọng là phải dựa vào cả 2 đặc điểm về tính chất phân và số lần đi ngoài để xác định tiêu chảy cấp

Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy

Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy
Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy

Do virus

  • Rotavirus là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu ở trẻ em chiếm từ 20-40% tại các nước nhiệt đới và 40-60% tại các nước ôn đới. ở nước ta tỷ lệ này tại bệnh viện cũng tăng lên rõ rệt từ 21,5%-28,1% (1983-1984) lên đến 53,7-68,8 (2001). Còn tại cộng đồng tỷ lệ này là 17,9-19% lên tới 25%
  • Các virus khác cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp nhưng chưa được nghiên cứu nhiều là : Adenovirus, Mocwalkvirus, Coronavirus, Picornavirus

Do vi khuẩn

  • E.coli là loại vi khuẩn gây bệnh đứng hàng đầu ở nước ta chiếm 24,9% với đủ cả 5 loại type huyết thanh trong đó nhiều nhất là EAEC 10,5-15%
  • Shigella là loại vi khuẩn đứng hàng thứ hai chiếm tỷ lệ từ 3,8-12,7% trong đó 2 nhóm hay gặp nhất là S. flexneri và S. sonnei
  • Campylobacter jejuni là loại vi khuẩn đứng hàng thứ ba chiếm tỷ lệ 7-10%
  • Salmonella chiếm tỷ lệ thấp từ 0,8-1,3%
  • Vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) thường gây thành dịch lớn rất nguy hiểm

5 nguyên tắc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy

Bù đủ nước và điện giải cho con

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất đối với một bé bị tiêu chảy. Nếu không tuân thủ nguyên tắc này trẻ dễ bị mất nước và gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn.

  • Trẻ tiêu chảy nên ăn uống gì? Cha mẹ nên cho trẻ uống nước và điện giải nhiều hơn bình thường. Đối với trẻ bú mẹ cho trẻ bú nhiều hơn
  • Có thể sử dụng các dung dịch pha chế tại nhà để cung cấp nước và điện giải cho trẻ. Như nước cháo muối, nước gạo rang, hoặc dung dịch oresol
  • Tốt nhất là sử dụng dung dịch oresol và pha theo đúng tỉ lệ hướng dẫn sẽ đạt được hiệu quả bù nước cao nhất
  • Nên cho trẻ uống thành nhiều ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày. Trẻ lớn uống theo nhu cầu
  • Đối với trẻ còn bú mẹ: tiếp tục cho trẻ bú mẹ, và bú mẹ tăng cường hơn
Bù đủ nước và điện giải cho con
Bù đủ nước và điện giải cho con

Một vài lưu ý về sử dụng dung dịch oresol đúng cách cho trẻ:

  • Đọc kĩ hướng dẫn cách pha oresol, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định. Ví dụ, nếu gói oresol theo hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha chính xác 200 ml nước, không “ước lượng”, “áng chừng” hoặc đong bằng các dụng cụ đo lường không chính xác
  • Sau khi pha dung dịch với nước phải uống hết trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ nên bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh cho trẻ uống dần
  • Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng
  • Không đun sôi dung dịch đã pha, có thể làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi, tăng độ thẩm thấu
  • Tuyệt đối không được cho thêm đường, sữa, nước trái cây, nước ngọt… vào dung dịch oresol

Đảm bảo dinh dưỡng

Trong thời gian bị tiêu chảy nhiều ngày, trẻ sẽ sụt cân rất nhanh. Nhưng có nhiều phụ huynh quan niệm rằng cần kiêng khem cho trẻ trong thời gian này. Thậm chí không cho trẻ ăn các thực phẩm khác mà chỉ cho trẻ ăn cháo trắng, kể cả khi trẻ đã khỏi bệnh. Điều này là không cần thiết. Câu hỏi đặt ra là bé bị tiêu chảy nên ăn gì?

Cha mẹ cần lưu ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, giúp trẻ mau hồi phục sức khỏe.

  • Không bắt trẻ nhịn ăn và kiêng khem. Khi trẻ không có dấu hiệu mất nước, tiếp tục cho trẻ ăn và bú mẹ như bình thường
  • Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, mất nước nặng: Khi các dấu hiệu mất nước đã bớt, cho trẻ bú mẹ hoặc ăn dần các thức ăn khác rồi trở lại chế độ ăn bình thường càng sớm càng tốt
  • Khi trẻ khỏi tiêu chảy, cho trẻ ăn thêm 1 bữa 1 ngày trong 2 tuần để trẻ lấy lại cân nhanh chóng. Chú ý bữa ăn của trẻ nên đủ các thành phần dinh dưỡng (chất đạm, chất bột, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất)

Nắm được nguyên tắc này, cha mẹ đã giải đáp được câu hỏi tiêu chảy ăn gì tốt cho con em mình.

Bổ sung thêm vi chất cho trẻ

Nên bổ sung vi chất cho trẻ, nhất là kẽm. Bởi vì kẽm làm tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Ngoài ra giúp hồi phục tế bào biểu mô đường ruột bị tổn thương trong quá trình bệnh.

Bổ sung kẽm thông qua các chế phẩm thuốc chứa kẽm với liều lượng như sau:

  • Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: 10mg /ngày trong 10 – 14 ngày
  • Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi: 20 mg /ngày trong 10 – 14 ngày

Cho trẻ ăn các thực phẩm có nhiều kẽm như: thịt gà, thịt lợn, thịt bò, các loại đậu, ngũ cốc, các loại hạt…

Không tự ý sử dụng kháng sinh cho bé

Không tự ý sử dụng kháng sinh cho bé
Không tự ý sử dụng kháng sinh cho bé

Một thực trạng là khi bé bị tiêu chảy, cha mẹ thường tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống. Kháng sinh dùng không đúng chỉ định sẽ làm tiêu chảy kéo dài. Ngoài ra còn dẫn tới tình trạng đề kháng với kháng sinh ở trẻ.

Cha mẹ trẻ cần lưu ý:

  • Chỉ dùng kháng sinh trong các trường hợp tiêu chảy do các tác nhân như khuẩn lỵ, lỵ amip, tả, đơn bào giardia. Không được dùng kháng sinh trong mọi trường hợp tiêu chảy
  • Tốt nhất dùng kháng sinh theo kê đơn của bác sỹ

Khi nào cần đưa bé đi bệnh viện

Các trường hợp sau đây cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để tránh những hậu quả đáng tiếc:

  • Trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi
  • Trẻ sinh non, có bệnh mạn tính hoặc đang bị mắc nhiều bệnh cùng lúc
  • Có sốt trên 38 độ C đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Hoặc sốt trên 39 độ C với trẻ trên 3 tháng tuổi
  • Trẻ không ăn uống được, hoặc tiêu chảy buồn nôn chóng mặt, nôn mửa liên tục
  • Đi ngoài phân có máu hoặc tiêu chảy ra nước màu đen
  • Tiêu chảy ra nước lượng nhiều, liên tục, không đỡ
  • Trẻ có các dấu hiệu mất nước như mắt trũng, môi khô, da khô, khi véo da trẻ lên thì nếp véo da lâu mất.
  • Thay đổi tri giác như lừ đừ, mệt mỏi
  • Nhà xa cơ sở y tế, cha mẹ chăm sóc kém

Tiêu chảy là một trong 5 bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ. Chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà đúng cách rất quan trọng. Không những giúp bệnh mau khỏi và còn phòng tránh biến chứng xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *